CHUYỂN ĐỔI KÉP: CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CHUYỂN ĐỔI XANH SONG HÀNH 

Ngày nay, mục tiêu của nhiều quốc gia và Tổ chức Doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tiến tới sự phát triển kinh tế, mà còn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và tạo ra sự cân bằng giữa phát triển và bền vững. Trong bối cảnh này, khái niệm “Chuyển đổi kép”, tức là việc kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu. Bài viết này sẽ đi sâu vào khám phá sự song hành giữa hai quá trình quan trọng này và tầm quan trọng của việc thúc đẩy Chuyển đổi Kép trong bối cảnh thế giới ngày nay.

I. Tại sao chuyển đổi số cần song hành với chuyển đổi xanh?

1. Khái niệm chuyển đổi kép, chuyển đổi xanh là gì?

Chuyển đổi số sẽ diễn ra trong tất cả các quy trình ở mọi cấp độ trong xã hội, gồm cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các ứng dụng, hành vi cá nhân. Trong khi đó, Chuyển đổi xanh nhằm mục đích giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo tồn và cải tạo môi trường tự nhiên, đảo ngược quá trình suy thoái của môi trường và đảm bảo phần lớn năng lượng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. (Trích nguồn: Báo Guild Insight Paper số 5, 2023)

Khái niệm chuyển đổi kép, chuyển đổi xanh là gì

Thuật ngữ “Chuyển đổi Kép” không chỉ đề cập đến hai xu hướng chuyển đổi diễn ra đồng thời (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) mà còn cho thấy việc hợp nhất hai xu hướng này có thể tăng tốc những sự chuyển đổi cần thiết, đưa xã hội đến gần hơn với mức độ chuyển đổi mong muốn. (Trích nguồn: Trung tâm nghiên cứu Liên minh Châu Âu (EU Joint Research Center), 2022).

Trong những năm gần đây, mặc dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính phủ, nhưng hai quá trình này vẫn thường xuyên diễn ra độc lập, thiếu tính đồng bộ để tận dụng hết tiềm năng để tăng cường năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh tế. Vì vậy, thay vì chỉ tập trung vào việc số hóa, các doanh nghiệp cần tích hợp yếu tố bền vững vào chiến lược chuyển đổi số của mình, nhằm khai thác cơ hội kinh doanh mới và đem lại lợi ích cho cả xã hội và môi trường. Đây chính là lý do tại sao xu hướng Chuyển đổi Kép – “Chuyển đổi số kết hợp với Chuyển đổi xanh” đang ngày càng được tôn trọng, đặc biệt là tại các quốc gia châu Âu. Ngoài ra, nhu cầu về Chuyển đổi Kép cũng cần phải được đặc biệt chú ý tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi, nơi hạ tầng kỹ thuật số và việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi để đối phó với biến đổi khí hậu vẫn còn ở giai đoạn đầu.

2. Lý do chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần song hành?

Bên cạnh xu hướng công nghệ số, rủi ro về môi trường cũng là một xu thế yêu cầu sự thay đổi, chuyển dịch trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như của các nền kinh tế. Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy các vấn đề liên quan đến môi trường tiếp tục là một trong năm thách thức toàn cầu lớn nhất, nếu xét về khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng. Với mức dự báo chỉ giảm 7.5% lượng phát thải khí nhà kính như mức độ cam kết toàn cầu cho đến năm 2030 như hiện nay, biến đổi khí hậu sẽ là một rủi ro lớn tác động đến các quốc gia, các nền kinh tế. 

Hiện nay, ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) chiếm 6-10% tổng lượng điện năng tiêu thụ toàn thế giới, thải ra 3.7% tổng lượng khí thải nhà kính, tương đương với tổng lượng khí thải từ giao thông hàng không trên toàn cầu. Mối lo này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi số liệu này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 và ước tính đóng góp 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2040 (Ngân hàng Thế giới, 2022).

Nếu các giải pháp công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp như năng lượng, vật liệu và giao thông, thì kỳ vọng sẽ giúp đóng góp đến 20% tổng lượng khí thải cần giảm trên toàn cầu vào năm 2050.

Ngoài ra, theo một phân tích của công ty Tư vấn Accenture kết hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm 2022, nếu đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ số, lượng khí thải tại các ngành công nghiệp có thể tiếp tục giảm thêm từ 4% đến 10 %.

Để thực hiện cam kết được đặt ra tại Hiệp định Paris, thế giới cần giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Những mục tiêu phát triển bền vững này đang đặt ra những thách thức lớn đối với chiến lược và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp đều coi việc chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa doanh nghiệp tiến lên. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi số cũng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực với môi trường. Một mặt khác sự phát triển vượt bậc của công nghệ số cũng là cơ hội thúc đẩy sự chuyển đổi của các ngành có lượng khí thải cao theo hướng hiệu quả, tuần hoàn và bền vững hơn. 

II. Việt Nam và xu hướng Chuyển đổi Kép 

Ứng dụng công nghệ số một cách phổ biến đem lại cơ hội tăng cường năng suất, tiếp cận kiến thức mới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các sáng kiến đổi mới. Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, và quốc gia này đã thành công trong việc khai thác các cơ hội từ Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cùng với sự bùng nổ của công nghệ số. Điều này đã giúp Việt Nam xác định được những mô hình và động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng tới mục tiêu trở thành một cường quốc số trong khu vực Đông Nam Á.

Một minh chứng cho sự cam kết của Việt Nam đối với chuyển đổi số là việc Thủ tướng Chính phủ đã phát hành “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, với tầm nhìn đến năm 2030” vào năm 2022. Chiến lược này nhấn mạnh vào việc cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bằng việc triển khai dịch vụ 5G và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Mục tiêu chính của Việt Nam là nền kinh tế số sẽ chiếm ít nhất 30% tổng GDP vào năm 2030.

Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu tại các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường và thách thức đan xen. Đặc biệt đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường được xem là sự lựa chọn tất yếu và là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực. “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030” đã đặt ra các mục tiêu cụ thể gồm: 

  • Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP với mức giảm tối thiểu so với năm 2014 là 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050; 
  • Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; 
  • Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tương tự như các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, giải pháp công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Điều này cho thấy Chuyển đổi Kép – chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi Kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép. 

Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%). 

Có thể nói chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam vì đây là yêu cầu cấp thiết cho tương lai. Vì vậy, để khai thác tiềm năng phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030” và “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, Việt Nam cần có những biện pháp quyết liệt và nhanh chóng trong cuộc đua này.

Trả lời

Kết nối chuyên gia tư vấn chuyển đổi số